Thursday 16 November 2017

Cộng đồng quốc tế phơi bày cuộc đàn áp Pháp Luân Công mà Trung Quốc che giấu gần 2 thập kỷ

Những tội ác như thời Đức Quốc Xã đang diễn ra tại Trung Quốc, khiến nhiều người không khỏi thắc mắc: Tại sao Trung Quốc nhất quyết làm hại những người tập Pháp Luân Công vô tội bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế?

Nạn nhân của tội ác này là những người tập môn khí công được ưa chuộng nhất Trung Hoa từ những năm 90: Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp.
“Hàng triệu người trên thế giới đã được hưởng lợi ích từ các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp”, cựu Thủ tướng Canada Stephen Harper viết trong lá thư chúc mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2014.
Từ nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo Canada đều ghi nhận đóng góp tích cực của Pháp Luân Công đối với nước này.
Nghị sỹ Judy Sgro phát biểu trong lễ kỷ niệm ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới năm 2017: “Các bạn đã dạy cho người Canada làm thế nào để trở nên khỏe mạnh, làm thế nào để tất cả chúng ta ít phải gặp bác sỹ hơn, và thông qua Pháp Luân Đại Pháp, chúng ta trở thành những người Canada khỏe mạnh hơn nhiều, điều này giúp chúng ta xây dựng một đất nước Canada vĩ đại.”
Đồng nghiệp của bà, nghị sỹ Cheryl Hardcastle, khẳng định: “Các giá trị Chân, Thiện, Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp hoàn toàn phù hợp với các giá trị của Canada. Chúng ta hãy cùng hy vọng những giá trị này cũng sẽ sớm được trân quý tại Trung Quốc”.
Học viên Pháp Luân Công tập luyện trên Đồi Nghị viện, thủ đô Ottawa, Canada nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới năm 2014 (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)

Trái ngược với Canada và các nước trên thế giới, chính quyền Trung Quốc đàn áp những người tập Pháp Luân Công suốt 18 năm qua. Chiến dịch bức hại bắt đầu từ ngày 20/7/1999.
“Ngày nay, có hàng chục nghìn học viên Pháp Luân Công bị cầm tù ở Trung Quốc vì các hoạt động hòa bình, không bạo lực”, theo Tiến sỹ T. Kumar thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết trong sự kiện kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công được tổ chức trên Đồi Capitol, thủ đô Washington, Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2012.
Ông Kumar khẳng định: “Các học viên Pháp Luân Đại Pháp không bao giờ làm hại bất cứ ai. Họ chỉ thực hành môn tập thiền định của mình.”
“Đó là điều mà tôi muốn hỏi: Chính quyền Trung Quốc, tại sao các ông muốn làm hại những người không bao giờ làm hại các ông hay làm hại bất kỳ ai khác?”
Tiến sỹ T. Kumar thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế phát biểu tại sự kiện kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Chiến dịch tai tiếng của Trung Quốc bắt nguồn từ mệnh lệnh của cựu Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, người lo sợ và đố kỵ trước sự phổ biến của Pháp Luân Công. Theo thống kê của nhà nước, có khoảng 70 triệu người tập môn khí công này vào năm 1999, vượt quá số lượng Đảng viên thời đó.
Một lượng dân số khổng lồ bỗng trở thành đối tượng bị sỉ nhục, bắt bớ, cưỡng bức lao động, tra tấn, thậm chí mổ cướp nội tạng. Nói về hoạt động thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công, cựu Ngoại trưởng Canada David Kilgour bình luận: “Chính quyền Trung Quốc đang làm một điều kinh khủng có thể so sánh với những gì mà Đức Quốc Xã đã làm“.
Các chuyên gia cho biết Trung Quốc biện minh cho cuộc đàn áp bằng chiến dịch tuyên truyền không ngừng nghỉ về Pháp Luân Công.
Nhà báo Ethan Gutmann đã bác bỏ một lời tuyên truyền của Trung Quốc rằng Pháp Luân Công làm chính trị. Ông giải thích: “Không, họ không làm chính trị. Vấn đề là trong tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mọi thứ ở Trung Quốc phải lệ thuộc vào chính trị. Nó phải vô hại, ngây thơ, nhỏ bé không đáng kể. Nếu nó có bất kỳ sự nghiêm túc nào thì nó phải lệ thuộc vào chính trị”, ông Gutmann cho biết trong bộ phim tài liệu Tears and Blood (Máu và nước mắt) về tình trạng cưỡng bức lao động tại Trung Quốc.
Nhà báo điều tra Ethan Gutmann bác bỏ tuyên truyền của Trung Quốc về Pháp Luân Công (Ảnh: Lisa Fan/Epoch Times)
“Pháp Luân Công thậm chí còn không phải là một tổ chức, vì nó chỉ là một bộ các bài tập với nền tảng về tinh thần”, Luật sư nhân quyền David Matas nói tại Hội nghị Bàn tròn 2017 (The Coalition Roundtable).
Ông nói thêm: “Mọi thứ đều có trên mạng internet, bạn không phải trả chút tiền nào, bạn không phải đăng ký gì cả. Bạn có thể bắt đầu tập bất cứ khi nào bạn muốn, bỏ tập bất cứ khi nào bạn muốn. Bạn không phải nói với ai là bạn đang tập. Các nguyên tắc của họ rất đơn giản và đạo đức, tất cả những điều đó là sự thực.”
Luật sư Matas cũng phủ nhận lời tuyên truyền ‘tà giáo’ mà chính quyền Trung Quốc quy chụp cho Pháp Luân Công. Đó “chỉ là một công cụ được chế tạo ra cho cuộc đàn áp, chứ không phải là nguyên nhân của cuộc đàn áp”, theo kết luận của cựu Ngoại trưởng Canada David Kilgour và luật sư Matas trong báo cáo “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest) về nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc.
Học viên Pháp Luân Công ngồi thiền tại thành phố New York (Ảnh: Vision Times)
Luật sư Matas cũng chỉ ra một điểm khiến chính quyền Trung Quốc “chỉ có cách đàn áp Pháp Luân Công”.
Ông nói tại Hội nghị Bàn tròn 2017: “Tại các nhà thờ công giáo, ĐCSTQ bổ nhiệm giám mục. Họ chọn Ban Thiền Lạt Ma cho Phật giáo [Tây Tạng], còn cử cả người lãnh đạo cho Hồi giáo. Nhưng họ không thể làm thế với Pháp Luân Công. Vì họ không thể kiểm soát bằng việc bổ nhiệm người đứng đầu Pháp Luân Công, họ chỉ có cách đàn áp. Điều này giải thích cho cuộc đàn áp, nó cũng cho thấy một sức mạnh rằng Pháp Luân Công không thể bị hủy hoại bằng cách bổ nhiệm người đứng đầu, bởi vì họ không có người đứng đầu.”
Luật sư Matas cho biết lý do tại sao nhiều người ở Trung Quốc không dám thừa nhận những điều tốt đẹp về Pháp Luân Công như tại các nước tự do.
“Tôi nghĩ một phần vấn đề là việc thừa nhận những điều về Pháp Luân Công đồng nghĩa với việc thừa nhận những điều về cuộc đàn áp. Người ta ngại thừa nhận nó vì một số lý do khác nhau. Nó ảnh hưởng tới các mối quan hệ của họ, vấn đề tài chính, và cả sự kinh hoàng của những điều đã diễn ra.”
Luật sư nhân quyền David Matas (Ảnh: The Epoch Times)
Các cuộc đàn áp trong quá khứ đã “gieo rắc nỗi sợ hãi” trong dân chúng và Pháp Luân Công chỉ là nạn nhân tiếp theo tại Trung Quốc, theo ông Kilgour.
“Cứ mỗi 10 năm hoặc lâu hơn, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại tiến hành đàn áp một nhóm người thiểu số, và tôi nghĩ mục đích chính là để gieo rắc nỗi sợ hãi cho phần đông dân chúng”, ông Kilgour phát biểu tại diễn đàn TEDxMünchen 2015.
Ông nêu dẫn chứng: “Chỉ xét 3 chiến dịch đàn áp đã diễn ra kể từ năm 1950. Cái gọi là Đại Nhảy Vọt đã khiến cho khoảng 40 triệu người chết đói. Cuộc Cách mạng Văn hóa, mà tôi chắc các bạn đều biết, diễn ra từ năm 1966 đến năm 1976, có lẽ đã giết thêm 2 triệu người nữa.”
Kế đến là Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ông Kilgour cho biết “quân đội [Trung Quốc] đã giết chết hàng ngàn người chỉ vì họ tìm kiếm sự công khai và dân chủ.” Những người sinh viên trẻ tuổi không mang một manh vũ khí đã bị tàn sát bằng súng ống và xe tăng tại quảng trường Thiên An Môn. Đến nay nhiều người trẻ không biết đến sự thật đó, mà tin theo lời tuyên truyền rằng đó là một cuộc bạo loạn của những kẻ phản động.
Trong cuốn sách mang tên ‘Cộng hoà Nhân dân Lãng Quên’ (The People’s Republic of Amnesia), nhà báo Louisa Lim đã mô tả cách thức chính quyền Trung Quốc tiến hành tẩy não người dân về cuộc đàn áp. Cách thức này cũng đang được áp dụng cho mục đích làm hại những người tập Pháp Luân Công. Có thể tìm hiểu thêm Pháp Luân Công tại khaimo.com.
Học viên Pháp Luân Công diễu hành qua cầu Brooklyn, thành phố New York, Mỹ, ngày 13/5/2015 (Ảnh: The Epoch Times)
Chính quyền Trung Quốc ngày càng đối mặt với chỉ trích gay gắt hơn từ cộng đồng quốc tế về cuộc đàn áp gần 2 thập kỷ. Năm ngoái, Hạ viện Mỹ và Nghị viện châu Âu đã ra văn bản lên án Trung Quốc về hoạt động bức hại và mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công.

Từ khóa: Phap Luan Cong. Có thể tìm hiểu thêm Phap Luan Cong tại khaimo.com.